Tại TP.HCM, nhiều nhân viên các tòa nhà cao tầng trung tâm đã túa ra đường vì cảm nhận được rung lắc.
Theo Cơ quan khí tượng và khảo sát địa chấn Hoa Kỳ, trận động đất có độ lớn đến 8,7 độ richter, còn mạng quan sát động đất Geofon thì động đất đến 8,9 độ richter.
Trận động đất cách Banda Aceh, Indonesia, 433km cách thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia 961km.
Vị trí động đất
Nhiều tòa nhà rung lắc, nhân viên hoảng hốt
Vào khoảng 15g40 phút, người dân làm việc tại các tòa nhà cao tầng trên địa bàn TP.HCM ùn ùn đổ ra đường khi các toàn nhà bị rung lắc.
Trên nhiều mạng xã hội, thông tin về trận động đất đã lan truyền nhanh chóng. Người dân ở cả Việt Nam, Thái Lan, miền nam Ấn Độ đều cảm nhận được sự rung lắc.
Nhân viên văn phòng làm việc tại cao ốc Gilimex đứng dưới tòa nhà thúc giục những người còn ở trên tầng cao xuống đất - Ảnh: Mậu Trường
Chị Phương, nhân viên văn phòng tại quận 11, TP.HCM cho hay "Vào khoảng 15g50 chiều nay, chúng tôi đang làm việc thì thấy tòa nhà rung lắc, thấy vậy chúng tôi bỏ chạy hết xuống đường"
Theo một số nhân viên văn phòng làm việc tại Bitexco Financial Tower, tòa tháp cao nhất tại TP.HCM (68 tầng), vào khoảng 16g, tòa nhà bắt đầu rung nhưng mức độ còn nhẹ, và chỉ không lâu sau đó, mức độ rung lắc rất mạnh. Tất cả các nhân viên của những công ty có văn phòng tại tòa nhà này đã rất hốt hoảng và nhanh chóng rời khỏi tòa nhà.
Theo ghi nhận của PV, không chỉ có tòa nhà Bitexco mà nhiều tòa nhà cao tầng khác ở trung tâm cũng bị ảnh hưởng. Các nhân viên làm việc tại đây cũng đã di tản ra bên ngoài.
Anh Long, cho hay: "Chúng tôi đã cảm nhận được rung lắc trong ít phút khi đang việc tại khu văn phòng cao tầng 25 tầng Flamington Tower".
Hết rung lắc nhưng nhiều người vẫn chưa dám lên làm việc trở lại - Ảnh: Mậu Trường
Chị Nguyễn Thị Kim Chi, nhân viên đang làm việc tại tòa nhà Vạn Thịnh Phát, số 8 Nguyễn Huệ, Q.1 kể: “Tôi đang ngồi ở tầng 7 thì thấy tòa nhà bị rung lắc nhẹ, người có cảm giác bị choáng. Chưa kịp nhận ra chuyện gì thì cô bạn cùng phòng hô hoán có động đất, thế là mọi người ùn ùn chạy. Khi xuống xuống tới tầng trệt tòa nhà, tôi đã thấy có hàng trăm người dân từ các tòa nhà cao tầng gần đó cũng chạy ra đường, ai nấy hốt hoảng”.
Còn anh Lê Ngọc Phú Thuận, nhân viên văn phòng tại lầu 8 cao ốc Gilimex nằm trên đường Phan Đăng Lưu, Q. Bình Thạnh cho biết anh đang ngồi làm việc thì bỗng có cảm giác sàn nhà chao đảo, trong người cảm thấy buồn nôn. “Cùng lúc đó, phía ngoài hành lang có nhiều người hốt hoảng tìm cách chạy xuống mặt đất nên tôi cũng chạy theo”, anh Thuận kể lại.
Động đất ảnh hưởng ở tòa nhà nhà Bitexco, Q.1, TP.HCM. Ảnh: Thuận Thắng
Anh Thanh, làm việc tại lầu 10 của tòa nhà này cho biết mức độ rung lắc, chao đảo còn mạnh hơn. “Đang ngồi làm việc, tôi bỗng có cảm giác như đang ngồi trên xe buýt. Chiếc ghế tôi đang ngồi làm việc đưa qua lại như có ai đẩy. Tôi còn tưởng bạn bè đùa giỡn”, anh Thanh kể. Dư chấn xảy ta tại đây khoảng 2 lần, mỗi lần kéo dài từ 3-5 giây. Hàng trăm nhân viên làm việc tại đây chạy toán loạn xuống đường.
TP.HCM rung động cấp 3
Ông Lê Huy Minh - Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất sóng thần Việt Nam - cho biết việc người dân ở các nhà cao tầng tại TP.HCM cảm nhận được rung động là do ảnh hưởng của trận động đất mạnh xảy ra ở ngoài khơi đảo Sumatra (Indonesia).
Theo ông Minh, việc người dân ở các nhà cao tầng cảm nhận thấy rung động cho thấy khu vực TP.HCM bị ảnh hưởng nhẹ với rung động khoảng cấp 3 (theo thang MSK-64) nên không gây ảnh hưởng nhiều.
Trả lời câu hỏi của PV, tại sao sóng động đất lại chỉ ảnh hưởng chủ yếu tại Hà Nội và TPHCM, TS Minh lý giải, đó là do đặc điểm trầm tích tại hai TP này.
“Hà Nội và TP HCM có nền đất yếu, vì thế nó đã khuếch đại sóng động đất lên so với các nơi khác. Dù vậy, cũng chỉ các tòa nhà cao tầng mới cảm nhận được chứ ở tầng thấp thì không thấy rõ”, ông Minh cho biết.
Nhân viên văn phòng từ các tầng cao chạy xuống sảnh tòa nhà Bitexco, Q.1, TP.HCM khi thấy rung lắc - Ảnh: Thuận Thắng
Ông Minh cho biết các cơ quan cảnh báo sóng thần đã đưa ra cảnh báo về sóng thần trên khu vực Ấn Độ Dương. Tuy nhiên nếu có xảy ra sóng thần thực sự thì cũng không ảnh hưởng đến Việt Nam do sóng thần từ nơi xảy ra động đất sẽ lan truyền đến khu vực Ấn Độ Dương.
Ở Hà Nội cũng cảm nhận được rung chấn
Dư chấn động đất với cường độ khá mạnh này cũng ảnh hưởng mạnh tới Hà Nội. Nhiều người đang làm việc, sinh hoạt tại các tòa nhà cao tầng khu vực Đống Đa hoảng sợ.
Chị Hương, nhân viên văn phòng, ở tòa nhà C'land (Xã Đàn 2, Đống Đa) cho biết: "Tôi đang ngồi làm việc thì thấy bàn, máy tính rung mạnh... ngay sau đó nghe có tiếng người kêu lên "động đất" nên cả phòng hùa nhau chạy ra ngoài".
Chị Hương cũng cho biết: "Rung khá mạnh, cảm giác chòng chành như mình đang ngồi trên thuyền". Chỉ vài phút sau, nhân viên ở tòa nhà này đã nhanh chân chạy xuống sảnh tòa nhà với tâm trạng lo lắng, hoang mang.
Một số nhân viên khác của tòa nhà này cũng khẳng định: "Nhiều vật dụng để trên bàn như cốc, giấy tờ... cũng bị rung như có ai xô mạnh". Chị Lâm, một phụ nữ đang mang bầu, cũng cảm thấy chóng mặt khi cơn dư chấn đi qua.
Dân công sở ở Đống Đa, Hà Nội cũng nháo nhào chạy xuống tầng 1 khi cảm nhận được độ rung lắc
Anh K. (34 tuổi) cho biết: "Rung chấn này chỉ ở các tầng cao của các tòa nhà mới cảm nhận được, tôi ở dưới tầng 1 thì không cảm thấy gì".
Một chị bán nước ở khu vực Đống Đa cũng cho biết, khi thấy nhiều người ở các tòa nhà cao tầng chạy ra với vẻ mặt hoảng sợ, chị mới biết là vừa có rung chấn mạnh. Đến khoảng 14h20 nhiều nhân viên ở các tòa nhà vẫn chưa hoàn hồn.
Anh Hà làm việc ở Láng Hạ, Hà Nội cũng cảm nhận được sự rung chấn: “Mọi thứ diễn ra rất nhanh, chỉ trong 7 - 8 giây ngắn ngủi, nhiều người cảm nhận mất thăng bằng và chóng mặt". Sau nửa giờ xảy ra chấn động, nhân viên làm việc tại các tòa nhà cao tầng ở Hà Nội vẫn chưa dám trở về nhà. Nhiều người đang làm việc tại các tòa nhà cao tầng ở TP HCM cũng cảm nhận rõ sự rung lắc.
Trên các tuyến đường Trương Định, Điện Biên Phủ, Lê Lợi… tập trung nhiều cao ốc, rung chấn khiến nhân viên các tòa cao tầng, bỏ văn phòng chạy xuống đường..
Tại tòa nhà Petroland Building, đường Trương Định, quận 3, hàng chục nhân viên làm tại cao ốc này nháo nhào bỏ xuống đất sau một rung chấn làm rung tòa nhà. Lúc này cầu thang thoát hiểm phía hông tòa nhà tỏ ra hữu dụng khi nhiều nhân viên vẫn chạy ào xuống, với vẻ mặt hốt hoảng
Chị M. Hiền, ở tầng 6 cho biết, mình cảm thấy tòa nhà rung nhẹ, đồ đạc trên bàn vi tính nhích nhẹ vài cm, nhưng không gây đổ
"Rung lắc nhẹ chỉ diễn ra khoảng vài phút. Lúc đầu tôi tưởng tòa nhà bị ảnh hưởng do thi công cao ốc ở kế bên. Chạy ra khỏi phòng thì thấy nhiều người cũng có cảm giác hoa mắt giống mình. Có người nói: “động đất rồi”… thế là chúng tôi vội vàng tìm cách xuống đất”.
Ông Nguyễn Thanh Hải, công tác tại Viện Vật lý địa cầu cho biết, đây thực chất là sóng động đất (không phải dư chấn động đất). Sóng động đất của Việt Nam là chịu ảnh hưởng của động đất từ Indonesia nhưng chỉ ở mức độ nhẹ. Nếu là dư chấn thì mức độ ảnh hưởng sẽ mạnh hơn.
"Chỉ có những người ở các tòa nhà cao tầng mới có thể cảm nhận được", ông Hải nói.
Theo ông Hải, cả Hà Nội lẫn TP HCM đều cảm nhận được dư chấn nhưng tại TP HCM thì sự cảm nhận còn rõ ràng hơn do gần tâm chấn hơn (trận động đất ở Indonesia chủ yếu nằm ở phía Tây).
Ông Hải cho biết, với mức độ ảnh hưởng của sóng động đất như thế này thì người dân Việt Nam có thể yên tâm vì không thể gây ra ảnh hưởng hay thiệt gì.
Ảnh hưởng tại các nước
Indonesia vừa ban bố một lệnh cảnh báo sóng thần sau khi một trận động đất với cường độ ban đầu 8,9 richter xảy ra ở vùng biển khơi thuộc tỉnh cực tây Aceh nước này.
Một quan chức ở cơ quan Khí tượng và địa vật lý Indonesia cho hay cảnh báo sóng thần đã được ban bố trên toàn khu vực Ấn Độ Dương.
Trong khi đó, theo trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương ở Hawaii trận động đất trên có khả năng gây ra một trận sóng thần ảnh hưởng đến các khu vực Indonesia, Ấn Độ, Sri Lanka, Úc, Myanmar, Thái Lan, Maldives Malaysia, Pakistan, Somalia, Oman, Iran, Bangladesh, Kenya, Nam Phi, Singapore và một số đảo ở Ấn Độ dương.
|
Trên mạng xã hội Twitter, các cư dân mạng cũng cho hay họ đã cảm nhận được rung chấn tại Singapore, Thái Lan, Malaysia và Ấn Độ. Những khu chung cư và văn phòng cao tầng ở bờ biển phía Tây Malaysia đã rung chuyển trong ít nhất 1 phút.
Riêng tại Thái Lan, ông giám Somchai Baimoung – phó giám đốc Cục khí tượng cho biết hiện nước này chưa ban bố cảnh báo sóng thần nhưng những quan chức các tỉnh dọc bờ biển Andaman, miền tây Thái Lan đang chuẩn bị các biện pháp sơ tán nếu cần thiết.
Bangkok Post cho hay người dân tại các tỉnh Phuket, Phang Nga, Krabi của Thái Lan đã được sơ tán sau khi có động đất. Đây là những nơi từng bị sóng thần tàn phá nặng nề hồi năm 2004.
Indonesia nằm trên “vành đai lửa” Thái Bình Dương - nơi thường xuyên xảy ra các rung chấn địa lý và núi lửa phun trào.
Năm 2004, nước này từng chứng kiến một trận động đất mạnh 9.1 độ richter khiến 230.000 thiệt mạng trong đó ba phần tư là cư dân ở tỉnh Aceh.
Vào lúc 17g07, nhà báo Tulsathit của báo The Nation nói trên Twitter của mình rằng có tin cho hay nước biển ở Phuket và Krabi, miền nam Thái Lan đang rút dần. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy sóng thần sắp ập vào